Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thực hiện NĐ 36 các DN XK cá tra Đồng Tháp gặp phải 3 khó khăn vướng mắc lớn.
Một là, việc đăng ký hợp đồng XK theo quy định tại khoản 2, Điều 7 của NĐ 36, các DN phải mất nhiều thời gian làm thủ tục xác nhận với Hiệp hội cá Tra Việt Nam, các lô cá tra XK đều phải đưa vào luồng vàng để Hải quan kiểm tra hồ sơ khi làm thủ tục hải quan làm phát sinh nhiều chi phí.
Hai là, quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 6 về tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra XK phải phù hợp với quy định của nước NK. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và tại điểm c, Khoản 3, Điều 6 hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi đã loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn cho DN.
Ba là, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm kiểm soát quá trình nuôi đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp khó khăn do phải tốn phí chứng nhận trong khi giá bán sản phẩm không tăng thêm.
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 4 nội dung:
1. Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ khoản 2, Điều 7 của NĐ 36 để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, điều kiện XK.
2. Đối với quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 6 về tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra XK phải phù hợp với quy định của nước NK. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và tại điểm c, Khoản 3, Điều 6 hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm, đề nghị Thủ tướng cho sửa đổi 02 tiêu chí này cho phù hợp với quy định của nước NK và quy định DN phải quản lý, công bố tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa trên nhãn mác, bao bì.
3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm kiểm soát quá trình nuôi đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm… đến ngày 30/6/2016 (thay vì 31/12/2015); phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực vận động để tiêu chuẩn VietGAP được liên thông và được chứng nhận như các tiêu chuẩn quốc tế khi tham gia XK.
4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian áp dụng việc nộp đăng ký sản lượng và chứng nhận mã số vùng nuôi cho Hiệp hội cá tra Việt Nam khi XK đến khi các tỉnh ĐBSCL thực hiện xong việc rà soát, phê duyệt quy hoạch và cấp chứng nhận mã số nhận diện vùng nuôi.
Ngày 17/6/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức cuộc họp với các DN chế biến, XK cá tra trên địa bàn tỉnh về việc triển khai thực hiện NĐ 36 của Chính phủ. Ngày 22/6/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang gửi Công văn số 2875/UBND-KTD tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét điều chỉnh, sửa đổi Điểm b và c, Khoản 3, Điều 6 của NĐ 36: “Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) đối với sản phẩm cá tra XK phải phù hợp với quy định của nước NK; DN phải ghi, công bố tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh trên nhãn mác bao bì”.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hủy bỏ thủ tục phải đăng ký hợp đồng XK thông qua Hiệp hội cá Tra Việt Nam tại Khoản 2, Điều 7 của NĐ 36 để tạo thuận lợi về thủ tục, điều kiện XK.